Vị trí địa lý và văn hóa tỉnh Hà Nam

Hà Nam nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, phía bắc giáp Hà Nội; phía đông giáp Hưng Yên, Thái Bình; phía nam giáp Ninh Bình; phía đông nam giáp Nam Định và phía tây giáp Hòa Bình.

Trong quy hoạch xây dựng, Hà Nam thuộc vùng Hà Nội, có tỉnh lỵ là thành phố Phủ Lý, cách thủ đô Hà Nội 60 km.

Với diện tích hơn 860 km2, đứng thứ 62/63 tỉnh thành, Hà Nam chỉ có sáu đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có một thành phố và năm huyện.

Thành phố duy nhất của Hà Nam là Phủ Lý; năm huyện gồm: Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục. Toàn tỉnh có 116 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 7 thị trấn, 11 phường và 98 xã.

Bắc Ninh tuy có diện tích bé nhất cả nước, nhưng số đơn vị hành chính cấp huyện là 8; Hưng Yên là 10.

 

Con sông nào chảy qua Hà Nam?

Chảy qua lãnh thổ Hà Nam là các sông lớn, như: sông Hồng, sông Đáy, sông Châu và các sông do con người đào đắp, như sông Nhuệ, sông Sắt, Nông Giang...

Theo Cổng thông tin điện tử Hà Nam, sông Hồng là ranh giới phía đông của tỉnh với Hưng Yên và Thái Bình. Chảy qua địa bàn với chiều dài 38,6 km, sông Hồng có vai trò tưới tiêu và tạo nên những bãi bồi màu mỡ với diện tích gần 10.000 ha.

Sông Đáy là một nhánh của sông Hồng bắt nguồn từ Phú Thọ chảy vào lãnh thổ Hà Nam. Sông Đáy còn là ranh giới giữa Hà Nam và Ninh Bình. Trên lãnh thổ Hà Nam, sông Đáy dài 47,6 km.

 

Sông Nhuệ được đào để dẫn nước sông Hồng từ Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và vào Hà Nam với chiều dài 14,5 km, sau đó đổ vào sông Đáy ở Phủ Lý.

Sông Châu khởi nguồn trong lãnh thổ Hà Nam. Tại Tiên Phong (Duy Tiên), sông chia thành hai nhánh, một nhánh làm ranh giới giữa huyện Lý Nhân và Bình Lục và một nhánh làm ranh giới giữa huyện Duy Tiên và Bình Lục.

Ngành nào chiếm tỷ trọng kinh tế lớn nhất Hà Nam?

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 24.730 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người là 48,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 11,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 59,7%; dịch vụ 28,6%.

Với tám mỏ đá vôi, một mỏ đá đôlômít, Hà Nam phát triển mạnh công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng. Tỉnh cũng có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Văn 1, Đồng Văn 2, Châu Sơn, Hòa Mạc.

Hà Nam nổi tiếng bởi lễ hội nào?

Lễ hội tịch điền Đọi Sơn mang ý nghĩa khuyến nông, đề cao vai trò sản xuất nông nghiệp. Lễ hội tịch điền (có nghĩa vua đi cày ruộng) do vua Lê Đại Hành khởi xướng. Lịch sử ghi lại mùa xuân năm Đinh Hợi 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan làm lễ tế thần nông và đích thân xuống đồng cày ruộng để khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn.

Kể từ đó, các triều đại sau từ Lý, Trần, đến triều Lê, Nguyễn đều tổ chức lễ hội tịch điền một cách trang trọng, cầu mùa màng bội thu, khuyến khích mở mang nông trang. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội tịch điền đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.

Lễ hội này ngày nay được tái hiện ở chân núi Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, với những sá cày cùng tiếng trống khai hội xuống đồng những ngày đầu năm mới

Lễ hội tịch điền Đọi Sơn.

Ngoài lễ hội tịch điền Đọi Sơn, Hà Nam còn có lễ hội vật Liễu Đôi; lễ hội thờ Phật ở chùa Đọi; lễ hội thả diều; lễ hội đền Trúc, đền Trần Thương, Lảnh Giang...

Ngôi làng nào ở Hà Nam là nguyên mẫu làng Vũ Đại trong các tác phẩm của Nam Cao?

Làng Đại Hoàng nằm sát dòng Châu Giang, là nguyên mẫu làng Vũ Đại, vốn nổi tiếng qua các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao như: Chí Phèo, Lão Hạc và Sống mòn. Làng Đại Hoàng nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, chính là quê hương của nhà văn Nam Cao. 

Ngôi nhà Bá Kiến. Ảnh: Văn Định.

Trong làng có "ngôi nhà Bá Kiến" - được dùng làm bối cảnh để nhà văn Nam Cao khắc họa nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo lấy từ nguyên mẫu có thật là Nghị Bính.

"Ngôi nhà Bá Kiến" kiểu thôn quê Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ 20, xây trên khu đất rộng chừng 900 m2, với ba gian, 16 cột gỗ lim, mái lợp ngói nan, xà được trạm trổ hoa văn vảy rồng, vườn trước vườn sau đều trồng chuối ngự. Ngôi nhà đã qua bảy đời chủ.

Năm 2007, với mục đích lưu giữ ngôi nhà này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại để bảo tồn và phát triển tuyến du lịch đền Trần Thương - Nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao - nhà Bá Kiến.

Xưa kia dệt vải là nghề truyền thống của người dân trong làng. Nay bà con vẫn chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng đã có nhiều sản phẩm mang giá trị kinh tế lớn như: hồng Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho.

Là món ăn dân dã của người Việt Nam, nhưng cá kho làng Đại Hoàng có vị thơm ngon khác lạ hơn cả. Nơi đây luôn có 5-6 cơ sở kho cá chuyên nghiệp, bán khắp cả nước và xuất khẩu

Làng cá kho Đại Hoàng. Ảnh: Văn Định.

Làng Ngọc Động ở huyện Duy Tiên, Hà Nam, chuyên nghề mây tre đan. Làng Nha Xá cũng ở huyện Duy Tiên chuyên nghề dệt lụa

Nhà thơ nổi tiếng nào quê ở Hà Nam?

Nguyễn Khuyến có tên là Nguyễn Văn Thắng, sinh ngày 15/2/1835. Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo, hai bên nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng. Bên nội quê gốc ở vung Treo Vọt (Can Lộc, Hà Tĩnh), di cư ra Yên Đổ (Bình Lục, Hà Nam), cho đến thời nhà thơ đã được 500 năm.

Ông thân sinh nhà thơ là Nguyễn Liễn, đỗ ba khoa tú tài, chuyên nghề dạy học ở xứ vườn Bùi. Mẹ Nguyễn Khuyến là bà Trần Thị Thoan, quê làng Văn Khê, tục gọi là làng Ngòi, nay thuộc xã Yên Trung (Ý Yên, Nam Định).

Thủa nhỏ Nguyễn Khuyến học cha, năm 1825 đi thi Hương lần thứ nhất cùng cha song không đỗ. Năm sau, địa phương có dịch thương hàn, ông mắc bệnh suýt chết. Cha và em ruột, bố mẹ vợ đều qua đời. Gia đình ông lâm vào cảnh “Tiêu điều, xơ xác, đời sống ngày càng đói rét”. Bà mẹ phải may thuê vá mướn, còn ông thường phải “sách đèn nhờ bạn, một ngày học mười ngày nghỉ”.

Từ năm 1854, ông đi dạy học lấy lương ăn, để tiếp tục học và đi thi. Song, các khoa thi Hương tiếp theo 1855, 1858 đều bị trượt. Có lúc ông đã nản đường khoa cử, định chuyển nghề dạy học thì được người bạn chu cấp lương ăn và khuyên đến cùng học với cha mình là tiến sĩ Vũ Văn Lý ở xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xang (Lý Nhân ngày nay). Bà mẹ cũng nghiêm khắc khuyên con chớ thoái chí. Do vậy, khoa thi 1864 ông mới đỗ cử nhân đầu trường Hà Nội.

Tiếp theo ông thi Hội các khoa 1865, 1868 đều bị trượt. Ông ở lại Huế, vào học Quốc tử giám, khoa thi năm 1869 lại trượt. Cho đến khoa thi năm 1871, Nguyễn Khuyến mới liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình, khi đã 37 tuổi.

Dưới triều Nguyễn, cho đến lúc đó mới có hai người đỗ Tam nguyên (đỗ đầu cả ba kỳ thi), trong đó có Nguyễn Khuyến. Ông được bổ làm Sứ quán trong triều; năm 1873 ra làm Đốc học Thanh Hóa, rồi thăng nhanh lên Án sát tỉnh. Năm 1874, ông phải mang quân chặn quân khởi nghĩa (sử cũ gọi là lệ phỉ) phạm vào tỉnh Thanh ở vùng Tĩnh Gia, Nông Cống, đúng lúc ấy bà mẹ ông mất. Ông phải nghỉ ba năm về quê chịu tang mẹ.

Hết tang, ông vào triều giữ chân Biện lý bộ Hộ. Năm 1877, ông lại ra làm quan, giữ chức Bố chính Quảng Ngãi, rồi làm Toản tu ở Sứ quán. Từ năm 1879 đến 1883, ông vẫn sống trong cảnh thanh bần, lại thêm đau yếu, tâm trạng chán ngán cảnh quan trường.

Năm 1883, quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, rồi triều Nguyễn phải ký hiệp ước ngày 25/8/1883. Nguyễn Khuyến được cử làm Phó sứ sang Mãn Thanh. Ông đã ra Bắc, nhưng chuyến đi sứ ấy bị bãi. Lấy cớ đau yếu, ông xin tạm về quê dưỡng bệnh, sau cáo quan về nghỉ hưu khi 50 tuổi.

25 năm ở Yên Đổ, Nguyễn Khuyến sáng tác nhiều. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/2/1909, thọ 75 tuổi. Tác phẩm để lại: Quế Sơn thi tập; Yên Đổ Tam nguyên quốc âm thi tập.

Một trong số bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, được đưa vào sách giáo khoa.

Bạn đến chơi nhà

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.