Bánh dày quán Gánh

Bánh dày của làng Quán Gánh thuộc thị trấn Thường Tín, Hà Nội luôn được xem là một món ăn dân dã, thanh tao của ẩm thực Việt. Nếu có dịp đi qua địa phận làng Quán Gánh, từng dãy bánh dày đều tăm tắp được gói bằng lá chuối xanh rờn như chào mời, níu chân khách qua đường.

Bánh dày Quán Gánh làm qua rất nhiều công đoạn và cần sự khéo léo riêng để tạo ra chiếc bánh mềm, có hương vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá gói, độ thơm ngậy của đậu xanh.

Chiếc bánh dày ngon hay không, phần quyết định đầu tiên chính là ở khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng được mua về từ vùng Hải Hậu (Nam Định) có độ dẻo thơm, hạt chắc mẩy đều.  Sau khi tuyển chọn kỹ lưỡng, gạo sẽ được mang đi ngâm khoảng 4 giờ, đãi thêm một lần nữa để sạch bọt trắng rồi mới đem gạo đi đồ thành xôi. Xôi đồ sao cho vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh dẻo thơm mà không bị dính tay.

Còn đỗ để làm nhân bánh là loại đỗ xanh tiêu nguyên vỏ. Đỗ sau khi được đồ xong sẽ được chia ra làm 2 phần, phần làm nhân bánh mặn, phần làm nhân bánh ngọt. Bánh dày nhân ngọt là nhân từ đậu xanh xào đường, cùi dừa nạo. Bánh dày nhân mặn với đậu xanh, thêm ít thịt ba rọi, dừa và thơm mùi hạt tiêu.

Với một chút dẻo dẻo của vỏ bánh, một chút bùi thơm của đỗ xanh, ngầy ngậy của mỡ hòa quyện với vị cay nồng của hạt tiêu chắc hẳn sẽ khiến cả những người không thích đồ nếp cũng tò mò muốn nếm thử một lần chiếc bánh dày nhân mặn.

Bên cạnh đó, cũng có loại bánh dày chay, khi ăn được kẹp thêm miếng giò lụa. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng người ăn đã cảm nhận được hương nếp trong từng miếng bánh quyện với vị giò thơm hương lá chuối.

Để bột khỏi dính và tăng độ thơm ngon cho bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào tay khi nặn bánh. Sau khi làm xong, bánh dày được gói bằng lá dong tươi sẽ đẹp hơn gói bằng lá chuối. Khi mở bánh ra, bên ngoài là lá dong xanh còn bên trong là màu trắng tinh khôi của bánh dày trông thực sự bắt mắt.

Bánh dày Quán Gánh quả thực là thứ bánh của nhà nông mang ý nghĩa lịch sử lâu đời và sâu sắc, được liệt kê trong danh sách các món ẩm thực nước nhà. Đặc biệt, chiếc bánh dày Quán Gánh đã trở thành hình tượng giàu tính nhân văn:

“Dù ai chồng rẫy, vợ chê

Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau

Ăn trước thì bảo người sau

Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng”.